Một trong những loài nấm nguy hiểm nhất thế giới là Nấm độc tán trắng, hay còn được gọi với tên khoa học là Amanita verna. Nấm có màu trắng tinh toàn thân, và thường được tìm thấy trong rừng vào mùa ẩm ướt. Trong bài viết hôm nay, Dược thảo Mailands sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về nấm độc tán trắng. Từ đó, bạn có thể dễ dàng nhận biết và tránh ăn phải loại nấm độc này.
Mục lục bài viết:
Nấm độc tán trắng là gì?
Nấm độc tán trắng có tên khoa học là Amanita verna, và thường được gọi là nấm trò lừa hay thiên thần hủy diệt mùa xuân. Nấm độc tán trắng là họ hàng gần của Nấm mũ tử thần (Amanita phalloides). Giống như họ hàng gần của nó, Amanita verna là thành viên thuộc chi Amanita, họ Amanitaceae, bộ Agaricales. Hơn nữa, Amanita verna còn là một loại nấm basidiomycete cực độc chết người.
- Loài: Amanita verna.
- Chi: Amanita.
- Họ: Amanitaceae.
- Bộ: Agaricales.
Amanita verna cùng với Amanita bisporigera và Amanita virosa được gọi chung là thiên thần báo tử. Ba loại nấm này là những loài đẹp nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất.

Nấm độc tán trắng sống ở đâu?
Nấm độc tán trắng thường xuất hiện ở châu Âu vào mùa xuân. Khác với nhiều loài nấm độc liên quan chặt chẽ khác, Amanita verna không xuất hiện ở Bắc Mỹ. Nấm độc tán trắng là loài nấm rễ, có nghĩa là nó có mối quan hệ cộng sinh (tương hỗ) với cây chủ. Nấm thường mọc cùng với nhiều loại cây rụng lá, cây lá kim, và cả cây sồi.
Amanita verna lần đầu tiên được đề cập trong tài liệu khoa học bởi nhà nấm học người Pháp Jean Bulliard vào năm 1780. Nấm độc tán trắng ban đầu được xem như là một loài thuộc Agaricus bulbosus. Ông Bulliard cảnh báo rằng nấm độc tán trắng có thể dễ bị nhầm lẫn với nấm đồng ăn được (Agaricus campestris).
Tên loài verna có nguồn gốc từ tiếng Latin có nghĩa là “mùa xuân”. Ba năm sau, Jean-Baptiste Lamarck đã công nhận Amanita verna là loài riêng biệt trong Bách khoa toàn thư về Thực vật của ông.
Tìm hiểu thêm: Nấm độc là gì? 9 loại nấm độc chết người cần tránh xa
Nấm độc tán trắng có đặc điểm gì?
Nấm độc tán trắng có màu trắng tinh, từ mũ, cuống nấm đến tận thân và củ.

- Mũ nấm: Nấm độc tán trắng có mũ rộng khoảng 45 – 65 mm, màu trắng, ở giữa vàng son. Ban đầu, mũ nấm có hình bán cầu, tâm dẹt. Sau khi trưởng thành, mũ nấm sẽ vương ra cho đến khi gần như bằng phẳng. Mũ nấm Amanita verna nhẵn, sáng bóng, khi ẩm hơi nhớt, khô nhanh. Mũ không có đường vân. Thịt mũ màu trắng, dày khoảng 3 – 5 mm trên cuống và tương đối chắc.
- Mang nấm: Mang nấm khi trưởng thành không có lông, màu trắng đến trắng kem. Mang nấm rộng tới 6 mm, hơi không đều ở các cạnh, và có mép kết bông mịn ở những cây nấm còn non.
- Thân nấm: Thân nấm độc tán trắng có chiều rộng khoảng 7 – 13 mm và chiều dài khoảng 85 – 105 mm. Thân nấm hình trụ, màu trắng, đầy rồi rỗng. Thân nấm nhẵn có vảy mịn, có củ tròn mềm ở gốc.
- Vòng nấm có dạng màng, mỏng, giống như chiếc váy. Vòng nấm bền, có một vài đường vân mơ hồ ở mặt trên.
- Volva (lớp màng bọc nấm khi còn non) màu trắng, có rìa khác màu, dạng màng, mọc ra từ đỉnh củ, không có phiến bên trong. Volva dài khoảng 25 – 30 mm.
- Bào tử: Bảo tử của nấm độc tán trắng nhẵn và có hình elip. Bào tử chuyển sang màu vàng trong dung dịch KOH.
- Mùi vị: Amanita verna có mùi hơi nhạt ban đầu, sau đó trở nên hơi khó chịu. Theo một số người đã từng thử ăn nấm độc tán trắng, nó có hương vị khá ngon. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không được ăn thử nếu muốn trả giá bằng sức khoẻ và tính mạng của mình.
Nấm độc tán trắng là loài nấm nguy hiểm chết người
Độc tính
Nấm độc tán trắng là một trong những loại nấm độc nhất trên thế giới, và có liên quan chặt chẽ với các loại nấm độc trắng tinh khiết gây chết người khác. Amanita verna, giống như nấm mũ tử thần, chứa một liều alpha-amanitin gây tử vong và gây suy gan nếu không được điều trị ngay lập tức.
Theo John W. Rippon, Giáo sư danh dự tại Đại học Chicago về Nấm y học, alpha-amanitin hoạt động bằng cách tấn công từ từ RNA polymerase, một loại enzyme trong gan. Cuối cùng, nó sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương và thận.
Mặc dù loại nấm này cũng chứa phallotoxin, nhưng những phallotoxin này không độc đối với con người khi ăn vào vì chúng khó hấp thụ.
Độc tính và triệu chứng của nấm độc tán trắng tương tự, nếu không muốn nói là giống nấm mũ tử thần. Tương tự, Amanita verna có liên quan đến một số vụ ngộ độc nghiêm trọng hoặc gây tử vong.
Tìm hiểu thêm: Nấm độc đỏ – Những điều bạn cần biết
Triệu chứng
Không giống như nhiều loại độc tố nấm, Amanita verna không gây ra triệu chứng ngay lập tức. Các triệu chứng tiêu cực bắt đầu xuất hiện trong 6 – 24 giờ sau khi ăn phải loại nấm này. Triệu chứng đầu tiên chỉ đơn giản là khó chịu, sau đó là chuột rút dữ dội và tiêu chảy. Vào ngày thứ ba, các triệu chứng thuyên giảm, nhưng đây là sự thuyên giảm giả. Vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 5, enzym tăng cao, gan và thận bị ảnh hưởng nặng nề. Các triệu chứng nặng hơn bao gồm suy thận và gan do amatoxin. Lúc này, bạn cần phải thực hiện các biện pháp quyết liệt như ghép gan, nếu không nạn nhân rất có thể sẽ tử vong.

Điều trị
Khi phát hiện người có các biểu hiện của ngộ độc nấm độc tán trắng, bạn ngay lập tức sử dụng biện pháp cơ học để gây nôn và nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Phương pháp điều trị điển hình bao gồm:
- Dùng than hoạt tính hoặc rửa dạ dày.
- Bù nước và điện giải tích cực.
- Trong một số trường hợp có thể cần phải ghép gan.
Kết luận
Nấm độc tán trắng với tên khoa học Amanita verna có vẻ ngoài đẹp đẽ, trắng tinh. Tuy nhiên, nấm độc tán trắng lại có biệt danh thiên thần báo tử. Bởi vì độc tính alpha-amanitin có trong nấm làm tổn thương gan và thận nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.
Hi vọng những chia sẻ trên đây của Dược thảo Mailands sẽ giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích để nhận biết và tránh ăn phải loại nấm độc tán trắng này.